Kết nối: youtube-icon zalo-icon
T2 - CN 8h00 - 17h30
ĐC: Số 3D Hoàng Diệu, Minh Khai, Hải Phòng
Tin tức xe

Hơn 3 tháng đầu năm, ôtô nhập khẩu đã vượt mốc 48.000 xe

Ngày 20-04-2023 Lượt xem: 560

Lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn ôtô đã làm thủ tục thông quan tại cảng Tân Vũ (TP Hải Phòng)



Theo thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, nửa đầu tháng 4 chứng kiến 6.233 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam, giá trị kim ngạch đạt gần 139 triệu USD.

Ôtô du lịch cỡ nhỏ vẫn chiếm ưu thế
Ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn chiếm ưu thế với 4.431 xe được nhập khẩu vào Việt Nam cùng giá trị kim ngạch hơn 90 triệu USD. Lượng ôtô vận tải cập cảng Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt 1.360 xe, giá trị kim ngạch trên 30 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 48.231 ôtô nguyên chiếc các loại với tổng giá trị kim ngạch vượt mức 1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đã tăng trưởng 50,2% về số lượng và 36,1% về giá trị kim ngạch.


Trong đó, ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 39.290 xe, còn lượng ôtô vận tải và ôtô trên 9 chỗ ngồi nhập khẩu vào Việt Nam trong cùng kỳ lần lượt ở mức 6.593 xe và 3.348 xe.

Nếu tính đến hết quý I, Thái Lan là quốc gia cung cấp ôtô nhiều nhất cho người tiêu dùng Việt Nam khi tổng lượng ôtô có nguồn gốc từ xứ chùa vàng cập cảng Việt Nam trong giai đoạn này là 21.051 xe, đạt kim ngạch gần 419 triệu USD.

Indonesia xếp thứ nhì với lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đạt 15.124 xe, giá trị kim ngạch ở mức gần 210 triệu USD. Ở vị trí thứ ba, Trung Quốc cung cấp 2.385 ôtô cho thị trường Việt Nam trong quý đầu năm với giá trị kim ngạch hơn 93 triệu USD.

Trong khi đó theo báo cáo của công ty CP Cảng Hải Phòng, lượng ôtô khai thác trên tàu RORO (Roll-on/Roll-off) tại chi nhánh Cảng Tân Vũ trong quý đầu năm tiếp tục có xu hướng tăng trưởng.

Cụ thể, tổng lượng ôtô cập cảng này đạt 17.098 xe sau 3 tháng đầu năm, tăng 7.095 xe và tương đương mức tăng trưởng gần 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy trong tổng số 42.002 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam trong quý đầu năm, có đến 40,7% ôtô đã làm thủ tục thông quan tại cảng Tân Vũ.

Ôtô "nội địa" vẫn được ưa chuộng
Dù lượng ôtô nhập khẩu được duy trì ổn định qua các tháng, doanh số nhóm xe này lại có dấu hiệu sụt giảm trong quý đầu năm nay.

Cụ thể, doanh số ôtô nhập khẩu đã đạt 33.700 xe sau 3 tháng đầu năm, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức tiêu thụ của nhóm xe này tương đương gần 47,9% tổng doanh số của toàn thị trường ôtô Việt Nam trong quý đầu năm, theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA).

Trong khi đó, ôtô nội địa dù giảm mạnh doanh số so với cùng kỳ năm ngoái vẫn đạt sức tiêu thụ 36.692 xe trong quý đầu năm, nhỉnh hơn gần 3.000 xe so với thành tích bán hàng chung của nhóm ôtô nhập khẩu theo báo cáo của VAMA.

Mặt khác, dù ghi nhận sự vượt trội cả về số lượng lẫn giá trị kim ngạch trong quý đầu năm, ôtô nhập Thái vẫn tương đối thua thiệt về doanh số so với các ôtô có nguồn gốc Indonesia.

Cụ thể, top 10 ôtô đạt doanh số tốt nhất thị trường ôtô Việt sau 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận Toyota Corolla Cross và Ford Everest là các ôtô nhập khẩu từ Thái Lan. Mẫu SUV đô thị của Toyota đã đạt doanh số 3.417 xe ở quý đầu năm mới, trong khi Ford Everest cũng sở hữu sức tiêu thụ 2.509 xe ở cùng kỳ.

Trong khi đó, Mitsubishi Xpander với 4.444 xe là cái tên dẫn đầu toàn thị trường ôtô Việt Nam trong quý đầu năm. Doanh số này của Xpander đến từ 448 xe lắp ráp nội địa và 3.996 xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.

Hyundai Creta (2.647 xe) cũng là dòng xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia đã đạt doanh số cao trong quý đầu năm. Tuy nhiên nhiều khả năng, mẫu SUV đô thị này sẽ sớm được chuyển sang lắp ráp nội địa trong thời gian tới.



Hyundai Creta nhiều khả năng sẽ trở thành ôtô "nội địa" thay vì được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia như hiện nay. 
Phần còn lại trong danh sách top 10 ôtô có doanh số tốt nhất thị trường Việt Nam đều là những mẫu xe được lắp ráp nội địa. Các mẫu xe lắp ráp đạt doanh số tốt trong quý đầu năm bao gồm Hyundai Accent (3.943 xe), Ford Ranger (3.656 xe), Mazda CX-5 (2.454 xe), Honda City (2.451 xe), Toyota Veloz Cross (2.393 xe) và Hyundai Grand i10 với 2.245 xe.

Trong số này, báo cáo của Toyota cho hay dù đã được chuyển sang lắp ráp trong nước từ cuối năm ngoái, Toyota Veloz Cross vẫn còn một lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Riêng đối với Ford Ranger, phiên bản Raptor thế hệ mới của dòng bán tải này sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường Thái Lan.

wiget Chat Zalo Messenger Chat